Phẩm chất cờ
1. Tập an tĩnh: trước ván cờ, ngồi vững chắc, quân đi nhẹ, chớ thành tiếng
2. Tập lễ phép: trong ván cờ, cần lễ độ, đánh cờ xong, cất như cũ
3. Giữ quy tắc: quân đen trước, quân trắng sau, lần lượt đi, không thay đổi
4. Tập ung dung: chưa tới lượt, vẫn ngồi vững, đến lượt mình, ung dung bước.
5. Tập công bằng: người xem cờ, không can dự, người đánh cờ, tự mình chơi.
6. Tập không hoãn: nghĩ kĩ càng, mau quyết đoán, nếu ân hận, khó chơi cờ
7. Trọng dụng cụ: người yêu cờ, tất kính cờ, đồ chơi cờ, nên quý báu.
8. Tâm bình tĩnh: thắng không kiêu, bại không nản, mạnh không sợ, yếu không khinh.
Cải thiện thái độ
1. Tự tin: Có lòng tin, sẽ ung dung, không nhầm lẫn, dễ thành công.
2. Lạc quan: Thắng với bại, nên vui vẻ, có tiến bộ, nói lời hay.
3. Tập trung: Khi học hỏi, tâm nhãn đến, lúc đánh cờ, ngồi ngay ngắn.
4. Kiềm chế: Khi đắc ý, hình chẳng quên, khi nguy hiểm, tâm chẳng loạn.
5. Nỗ lực: Gặp cao thủ, chiến dũng cảm, có ý chí, không khó khăn.
6. Cầu tiến: Xưa ta yếu, nay đã mạnh, càng nỗ lực, mạnh thêm sáng.
7. Biết ơn: Ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ta tiến bộ, công mọi người.
8. Vui khoái: Ba người đi, tất có thầy, người có tốt, mới được vui.
9. Hợp tác: bàn cờ nhỏ, đất trời to, nhìn đại cục, hiểu tổng quát.
10. Nhã nhặn: ngồi thẳng thắn, tay đi nhẹ, có phong độ, người người khen.
Sửa tính cách
1. Ngay thẳng: nên kính cờ, giữ công bằng, học đạo cờ, được nhân phẩm.
2. Tự lập: đã chơi cờ, nên tự lập, chẳng nhờ người, được tính quý.
3. Rõ ràng: muốn thắng cờ, phải rõ ràng, nếu tập trung, sẽ thấy hết.
4. Chăm chỉ: cờ muốn tiến, phải chăm chỉ, luyện tập nhiều, được tiến bộ.
Sáng trí
1. Sức suy nghĩ: xem thời thế, luận thần cơ, cách nghĩ cờ, thật có ích
2. Sức nhớ dai: tập theo mẫu, bày hình cờ, cách nhớ cờ, dùng nhiều chỗ
3. Sức tưởng tượng: Gió gặp mây, rồng vờn hổ, hình của cờ, biến vô cùng
4. Biết Văn-Sử: xương Quan Công, nhà Tạ Công*, sử với cờ, vẫn liên quan
Rõ nghĩa
1. Liên tưởng: Đem cờ so, thông trăm nhà, hiểu ngàn người, rõ cổ kim.
2. Ý nghĩa chung: đem cờ giảng, có biện chứng, đạo rõ lẽ, lẽ rõ nghề
3. Cảnh giới: cảch giới cờ, tâm bình thường, sẽ nhẹ nhàng, bỏ thắng thua
4. Mục đích: chơi cờ để, hiểu xã hội, yêu nhân sinh, được tu dưỡng
———————————–
TÂM PHÁP CHO NGƯỜI MỚI HỌC CHƠI CỜ TƯỚNG
Muốn nói thật rõ vấn đề này thì hẳn là phải có cả một quyển sách riêng. Tuy nhiên những điều căn bản nhất được tóm tắt bằng các bước như sau:
Trước tiên phải học thật kỹ, thật sâu phần khai cuộc.
Trước đây có một số người cho rằng phần tàn cuộc là phần quan trọng nhất, là phần quyết định thắng thua ván cờ cho nên trước tiên phải học cho được lý thuyết phần tàn cuộc để đảm bảo chắc thắng cái đã, còn khai cuộc chẳng qua là phần ra quân, tùy cơ ứng biến, đi thế nào mà chẳng được.
Tuy nhiên các môn cờ hiện đại đã cho thấy nếu trước tiên không “thuộc bài” khai cuộc thì người chơi sẽ bị thất thế ngay từ đầu ván, bởi mỗi nước đi sai lầm ở khai cuộc đều phải trả giá, nhất là khi các phương án khai cuộc đã được các nhà nghiên cứu đương phân tích hết sức kỹ càng, chỉ ra điểm mạnh điểm yếu của từng phương án và những hậu quả của nó.
Ví dụ trong cờ Vua nếu đối phương đi nước đầu tiên là e4 mà anh trả lời bằng h5 là hoàn toàn vô nghĩa, hay trong cờ Tướng đối phương vào Pháo đầu mà anh lại lên Sĩ thì thật là thất thế, cũng tương tự như vậy trong cờ Vây không ai ngay khai cuộc lại đặt quân vào giữa bàn.
Nếu phần khai cuộc không lành mạnh, các quân không chiếm được vị đẹp, cờ thế chênh vênh thì người chơi sẽ phải bước vào trung cuộc yếu hơn đối phương. Thế thì anh lấy “vốn” gì để chơi trung cuộc đây? Đối phương nhất định sẽ khai thác triệt để, khoét sâu vào những điểm yếu đó, khi đó chỉ riêng việc chống đỡ cũng đã quá vất vả, thế thì còn mong lấy gì để thắng đối phương đây?
Ngày nay sách hướng dẫn khai cuộc rất nhiều. Ngoài ra, còn có các đĩa CD chuyên về khai cuộc. Mỗi một phương án ra quân đều được đào sâu một cách thấu triệt và có hàng loạt các ván thực đấu minh họa. Ở cờ Vua đó là những tập sách dạy tới hàng nghìn trang. Ở cờ Tướng sách khai cuộc cũng rất phong phú và ở cờ Vây cũng vậy.
Nắm vững khai cuộc còn giúp cho người chơi đỡ phí quá nhiều thời gian suy nghĩ những nước hiển nhiên đã được sách báo phân tích nhuần nhuyễn cả rồi, trong khi thời gian quy định của một ván cờ là rất eo hẹp, nếu tiêu tốn nhiều thời gian vào khai cuộc thì có khi tới tàn cuộc do bị hết giờ mà thua cờ.
Có người hỏi: phần khai cuộc rộng lớn như thế làm sao học hết được?
Quả thật khai cuộc có rất nhiều phương án. Ở mỗi phương án lại có nhiều biến, từ mỗi biến lại rẽ ra hàng loạt nhánh nhỏ các biến phụ khác nhau. Nếu học cho hết khai cuộc thì cả 5 năm 10 năm cũng chưa chắc thâu tóm được tất cả. Vả lại khi học khai cuộc thì phải học cả cách mở cờ của bên Trắng (đi trước) và cả cách đối đáp (phòng thủ) của bên Đen (đi sau). Ví dụ trong cờ Vua thì có các phương án “khai cuộc” (như khai cuộc Nimzivich, Khai cuộc Tượng…) và “phòng thủ” (như Phòng thủ Sisili, phòng thủ Pháp…). Trong cờ Tướng thì có khai cuộc Thuận Pháo, nghịch Pháo, phòng thủ thì có Bình phong Mã…
Trong số khá nhiều khai cuộc mà người chơi cờ phải hiểu biết thì phương pháp tốt nhất là nên đào sâu, nắm vững một số khai cuộc hay được chơi nhất và một số khai cuộc mà mình cảm thấy ưa thích, phù hợp với tính cách chơi của mình nhất, để khi gặp những khai cuộc đó mình hoàn toàn tự tin, làm chủ được tình thế, triển khai vững vàng, linh hoạt, dùng bài bản mà không sợ xảy ra những sai sót. Còn những khai cuộc khác cũng phải biết nhưng dần dần đào sâu sau, bởi một lúc không ai “nuốt chửng” được tất cả.
Có một số kỳ thủ ngay từ đầu học cờ đã muốn đi những nước lạ, những thế trận ít ai chơi tới nhằm gây bất ngờ cho đối phương, giành chủ động ngay từ trận đấu. Điều đó kể ra thì cũng có cái hay, tuy nhiên nếu chỉ ham thích cái đó mà quên học những thế trận cơ bản thì thật là tệ hại, bởi sau khi doạ nạt được đối phương ít ván thì anh sẽ “hết bài”, khi đối phương tìm cách hóa giải được những đòn gian của anh thì cũng là lúc cái “túi rỗng” khai cuộc của anh lòi ra và các đối phương sẽ cho anh “nhừ đòn”.
Tức là người ta dùng trường trận để đánh vào cái sở đoản nhất thời của anh. Cách chơi có phần “láu cá”, như trên không phải là cách chơi chính thống của những người chơi cờ thực thụ.
Có một số kỳ thủ lại chủ trương học thuộc lòng càng nhiều càng tốt các phương án khai cuộc. Điều này hoàn toàn không sai, thậm chí là rất đáng khuyến khích, tuy nhiên phải nhớ cho thêm một điều là: đừng quá lệ thuộc vào bài bản. Nhỡ không may đối phương không đi theo đúng bài bản mình đã học thì sao, khi đó bạn sẽ cảm thấy lúng túng hoang mang vì “sách không nói thế!”.
Nhà vô địch thế giới Capablanca đã từng có lời khuyên: “Khi khai cuộc bạn có thể gặp nước đáp lại của đối phương mà bạn chưa quen, trong trướng hợp đó bạn sẽ chơi như thế nào? Bạn hãy cứ đi theo suy nghĩ lành mạnh của chính mình, đưa quân tới những vị trí chắc chắn. Có thể bạn chưa đi được nước tuyệt vời nhất, song đó sẽ là bài học cho ván sau. Nếu bạn cho nước đi nào là hay thì cứ đi trước đó. Cần mạnh dạn thực hiện điều mà bạn cho là đúng và hay!” Lời khuyên này không chỉ đúng với cờ Vua mà cũng còn rất đúng đắn với cờ Tướng và cờ Vây nữa.
Nghĩa là khai cuộc không phải chỉ là công việc lắp ráp những nước đi có sẵn trong sách vở. Vả lại cũng không có sách vở nào nói hết được tất cả những vấn đề về khai cuộc. Cờ là một cuộc chơi trí tuệ của mỗi cá nhân, cho nên phương châm tốt nhất đã được các kỳ thủ có kinh nghiệm đúc kết lại như sau: “Sách vở giúp cho ta tránh được những nước đi sai lầm, còn muốn chiến thắng thì phải dựa vào chính sự thông minh sáng tạo của bản thân!”
Quả thật đã có nhiều những quyển sách ở cờ Vua, cờ Tướng cũng như cờ Vây chuyên chỉ ra rất rõ ràng những phương án, những thế biến, những nước đi sai lầm trong từng khai cuộc một để người chơi khỏi phải lặp lại một cách thô thiển. Bạn đã đọc những quyển sách đó chưa? Nếu chưa thì quả là một điều đáng tiếc. Nói rộng ra thì trong bất cứ quyển sách nào về khai cuộc cũng đều chỉ ra những nước đi kém cỏi rất dễ mắc phải của người mới học chơi cờ. Bạn nên lưu ý tới điều này.
Khai cuộc đúng thì vào trung cuộc cảm thấy cờ vững chắc, người chơi tự tin hơn rất nhiều và từ đó tiếp tục ván cờ một các suôn sẻ chứ không bị động. Chính vì vậy tuy khai cuộc có rộng thật nhưng phải cố gắng học đi học lại thật kỹ càng các phương án, nhất là đừng để bị đối phương làm cho bất ngờ lúc ra quân.
Song song hoặc sau phần khai cuộc phải nghiên cứu ngay phần tàn cuộc. Phần tàn cuộc có một loạt các loại cục chỉ cần học thuộc là được bởi nó có những nguyên tắc cực kỳ chính xác, không cần gì phải sáng tạo thêm cả (ví dụ trong cờ Tướng là những trường hợp Xe chống Sĩ Tượng toàn, Xe Tốt chống Sĩ Tượng toàn, đơn Mã chống Tướng, Tốt chống Tướng…, trong cờ Vua là những trường hợp còn Hậu chống Vua: Xe chống Vua, Mã Tượng chống Vua, hai Tượng chống Vua, quy tắc hình vuông Tốt).
Tuy nhiên không phải tất cả đều có khuôn mẫu sẵn, vì vây người chơi phải luyện tập kỹ càng phần này) chớ để cờ thắng tới nơi mà sơ sẩy (dù chỉ một nước!) mà phải thua oan ván cờ!
Sách giáo khoa về tàn cuộc có đặc tính là rất rõ ràng, dễ hiểu và ngắn gọn hơn khai cuộc nhiều, mong rằng những người chơi cờ chớ có chủ quan bỏ qua phần này.
Tuy nhiên tàn cuộc hoàn toàn không phải là cuộc chơi đơn giản, bởi trên thực tế có rất nhiều tàn cuộc phức tạp, lúc đó buộc kỳ thủ phải tính toán chuẩn từng nước đi, muốn dẫn tới đích cuối cùng là thắng lợi thì cũng phải dày công nghiên cứu và thử nghiệm hàng nghìn lần trên bàn, dù đó là thế cờ tàn tưởng như hiển nhiên và đơn giản nhất. Hơn nữa ở tàn cuộc thời giờ là cực kỳ ít ỏi, ai đi nhanh hơn, ai thuộc bài hơn, ai chính xác hơn, người đó tất thắng.
Xong hai phần đó rồi hãy nói tới phần trung cuộc. Phần trung cuộc chính là tinh hoa sáng tạo của mỗi đấu thủ chơi cờ. Có khi chỉ một đòn diệu nghệ ở Trung cuộc cũng đủ làm đối phương “chết ngay”. Học trung cuộc là học phương pháp, học nguyên lý chứ không phải kiểu học thuộc như đối với khai cuộc và tàn cuộc.
Việc học để nắm được thủ pháp hình thành được các đòn phối hợp để bắt quân, giành thế, chiếu tướng, chiếu vua là một trong những trọng tâm của trung cuộc. Đòn phối hợp là đỉnh cao của nghệ thuật cờ đòi hỏi phải tính toán cực kỳ sâu xa, trong khi tính sâu xa như thế lại không được phép để “sót nước”, chỉ cần sót một nước là “gậy ông lại đập lưng ông” ngay.
Sách về Trung cuộc hiện nay chưa nhiều, tuy nhiên bạn nên làm quen với những loại sách này, nó có vẻ “khó đọc” hơn các sách về khai cuộc và tàn cuộc, đôi khi sách viết như kiểu để bạn đọc thưởng thức là chính, nhưng thưởng thức được cũng chính là học vậy.
Đối với Trung cuộc thì các tạp chí về cờ lại tỏ ra rất có ích, bởi trong các tạp chí thường có những bài phân tích, bình giảng các ván cờ hay mà số chữ không bị hạn chế, lại thường do những bậc thầy về cờ bình chú nên rất có chất lượng. Ở cờ Tướng có các tạp chí như “Tượng kỳ nghiên cứu”, “Bắc phương kỳ nghệ”, “Tượng kỳ Quảng Đông” (xuất bản Ở Trung Quốc)… Ở cờ Vua có “Chess Life” (ở Mỹ, bằng tiếng Anh), “Europe Echecs” (ở Pháp, bằng tiếng Pháp), “64” (ở Nga, bằng tiếng Nga)…
Trung cuộc cũng cho phép ta thả sức mà “đặl bẫy”, “dụ dỗ”, “câu nhử” hay trấn áp, chơi đòn tâm lý, đòn thí quân, thách thức lòng kiên nhẫn của đối phương ở từng nước đi, khiến cho đối phương sa vào thế trận của ta hoặc bị ta lấn dần từng bước mà không thoát được.
Nghệ thuật chơi trung cuộc là một nghệ thuật rất năng động, biến hoá, phức tạp, thể hiện một cách toàn diện bản lĩnh, năng lực và sự biến hoá của người chơi được khái quát bằng câu thơ “lạc nước hai Xe đành bỏ phí, gặp thời một Tốt cũng thành công”. Không phải cứ học hết hoàn toàn phần này rồi mới học tới phần khác, thực ra là phải học gối nhau, chỉ có điều là phần nào được sắp đặt trước, phần nào sắp đặt muộn hơn mà thôi. Thông thường người ta học đi học lại từng phần, lần sau nâng cao hơn lần trước.
Toàn bộ việc học lý thuyết cớ có thành công hay không là phải được các ván thực chiến kiểm nghiệm. Nếu anh nói anh đã nắm rất vững lý thuyết mà khi chơi lại bị thua liên miên, thì mớ lý thuyết ấy liệu có ích gì. Điều đó chứng tỏ anh mới nắm vững phần vỏ của lý thuyết chứ phần ruột của nó thì chưa, hoặc là chỉ nắm chung chung trên sách chứ chưa vận dụng thuần thục và nhuần nhuyễn trong các ván cờ thực tế, hoặc anh đã bị lý thuyết “kìm kẹp” làm mất hết cả sự biến hoá sáng tạo của mình trên bàn cờ.
Dĩ nhiên học cờ là cả một vấn đề, không chỉ phải một sớm một chiều theo kiểu “ăn tươi nuốt sống” mà được. Nhưng khi mà các bài bản đã ngấm được vào máu thịt thì người chơi cờ sẽ cảm thấy sung sướng vô cùng, tự tin vô cùng vì đã nắm được cả những bí quyết huyền diệu nhất của một nghệ thuật vô cùng cao siêu, diệu ảo, đem lại cho con người sự thoả mãn chẳng khác nào các nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ trước những tuyệt tác của chính mình sáng tạo.
Chẳng thế mà trên thế gian đã tồn tại những ván cờ bất hủ, được xem là những kiệt tác nghệ thuật lưu đến muôn đời, trở thành những ván cờ, những thế cờ kinh điển còn truyền lại mãi cho lớp hậu thế. Cùng theo những ván cờ đó những chiến thắng đó là những tên tuổi bất tử của những danh kỳ. Cũng chính nhờ thế mà các loại cờ còn trường tồn mãi cho đến ngày nay và cả trong tương lai.
Theo BTCTVN