⇒Tham khảo: Video hướng dẫn chơi cờ tướng
Chơi cờ khó nhất là giai đoạn trung cuộc, vì sao ?
Vì khai cuộc và tàn cuộc cũng rất phức tạp, khó khăn nhưng trải qua nhiều thời kỳ nghiên cứu, các danh thủ đã đúc kết được nhiều loại hình khai cuộc, nhiều bài học điển hình về tàn cuộc nên người chơi có thể học tập được. Còn phần trung cuộc có thể nói trong nhiều thế kỷ trước đây chưa thấy danh thủ nào hay tài liệu nào đi sâu nghiên cứu có lý luận để hướng dẫn cho những người trình độ còn yếu.
Chỉ có mấy thập kỷ gần đây, một số danh thủ của các nước Châu Á có trình độ giỏi mới bắt đầu quan tâm nghiên cứu vấn đề này, nhưng nhiếu vấn đề chiến lược và chiến thuật trong trung cuộc họ cũng còn đang tranh luận nhau. Vì vậy, muốn nghiên cứu trung cuộc vô cùng khó khăn.
Để giúp một phần nào cho những bạn chơi cờ muốn tìm hiểu vấn đề trung cuộc, xin trình bày một số quan điểm và những tư liệu sưu tầm để các bạn xem xét và học tập.
Trước hết
khái niệm trung cuộc được những nhà nghiên cứu lý luận về cờ quy ước với nhau là sau khoảng 12 đến 15 nước đi ban đầu của cả hai bên thì ván cờ bắt đầu chuyển sang giai đoạn trung cuộc. Có người cho rằng giai đoạn trung cuộc bắt đầu khi các quân ở hai bên cánh đã dàn xong đội hình, như vậy giai đoạn trung cuộc bắt đầu từ nước thứ 8 đến nước thứ 10. Rõ ràng là người ta chưa thống nhất là thời điểm nào là xong khai cuộc, thời điểm nào là bắt đầu vào trung cuộc.
Tuy thế, nguời ta đã cùng nhìn nhận đặc điển rõ nhất của trung cuộc là tình thế mâu thuẫn, xung đột của lực lượng đôi bên sau khi dàn đội hình thì mỗi lúc càng căng thẳng đi đến những trận chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao nhau. Những yếu tố chiến thuật nổi rõ khi bắt đầu vào trung cuộc.
Thật ra, các danh thủ thời trước cũng có dạy chơi trung cuộc nhưng họ chỉ dẫn không rõ ràng hoặc chỉ nêu vài nguyên tắc ngắn như Chu Tấn Trinh có nêu trong quyển “Quất Trung Bí” nguyên tắc: “Bỏ quân thì cần giành được nước tiên. Mất quân chớ để bị thất thế”. Còn Tam Lạc Cư Sĩ viết trong “Bách cuộc tượng kỳ phổ” là: “Được thế bỏ Xe thì cũng tốt, mất tiên khí tử chỉ toi công”. Như vậy, theo quan điểm của những danh thủ xưa kia cho rằng chơi trung cuộc thì phải giành được nước tiên hoặc giành được thế cho dù phải hy sinh quân, kể cả Xe. Quan điểm này hoàn toàn đúng cho đến ngày nay, nhưng nó chưa được phân tích rõ ràng. Chúng ta cần làm sáng tỏ những vấn đế này.
Thế nào là được tiên?
Theo những nhà nghiên cứu và các danh thủ cùng thống nhất nhau là khi một bên đi quân buộc đối phương phải bị động đối phó thì gọi đó là nước tiên hay tiên thủ. Cũng có khi gọi được tiên là chủ động, còn mất tiên là bị động hay hậu thủ. Như vậy khá niệm được tiên có nghĩa là đang chủ động mở đợt tấn công nhưng chưa hẳn đã là ưu thế, vì đối phương dù bị động đối phó nhưng vẫn đủ sức chống đỡ. Trong nhiều trường hợp bên được tiên chơi không chính xác bị đối phương phản kích sẽ chuyển thành bị động hay mất tiên còn đối phương giành được tiên hay phản tiên.
Vậy thì thế nào là ưu thế? Ưu thế được xét theo hai yếu tố: nước tiên và thực lực. Nước tiên bình thường là quyền chủ động trước mắt, nếu không khuyếch đại được nó lên ở mức cao hơn thì chưa thể gọi là ưu thế.
Còn thực lực, nếu đơn thuần hơn đối phương về quân số hoặc chất (đổi Mã hoặc Pháo lấy Xe là hơn chất) thì cũng chưa hẵn là ưu thế. Chỉ khi nào không bị thất tiên mà hơn quân, hơn chất thì mới gọi là ưu thế. Nếu như được cả hai, vừa hơn quân vừa được tiên thì đó là ưu thế lớn.
Trong thực tiễn thi đấu, có một bên hy sinh quân để giành lấy thế công và sau một loạt nước đi đã bắt lại được quân đối phương, có khi giành cả chiến thắng thì cũng phải đánh giá thế cờ khi anh ta hy sinh quân thì anh ta đã chiếm ưu thế. Hoặc có trường hợp đã giành quyền chủ động, tức là được tiên rồi uy hiếp mạnh khiến đối phương lúng túng đối phó vất vả, có khi lỗ chất, mất quân thì cũng có thể gọi là ưu thế. Cho nên trong giới cờ nhiều người hiểu khái niệm tiên thủ, chủ động với ưu thế cũng là một, điều đó cũng không phải là sai.
Như vậy, một vấn đề cần đặt ra là mục tiêu chiến lược của giai đoạn trung cuộc là gì?
Một lần Dương Quan Lân có nêu rõ ý kiến của mình như sau: “Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn trung cuộc là phải giành được ưu thế. thủ đoạn chính để giành ưu thế là bắt quân làm tiêu hao bớt thực lực của đối phương, tiến lên tạo thế đánh bí. Bắt quân là gián tiếp uy hiếp Tướng đối phương còn giành ưu thế là trực tiếp uy hiếp Tướng đối phương. Do đó mục tiêu chiến lược của trung cuộc là bắt quân, ăn quân và giành thế. ”
Hồ Vinh Hoa cũng phát biểu ý kiến tương tự: “Tiêu diệt lực lượng địch, bảo tồn lực lượng ta là bản chất của các cuộc chiến tranh. Trong chơi cờ, mục tiêu chủ yếu của trung cuộc là tiêu diệt lực lượng địch, còn bảo tồn lực lượng ta là thứ yếu. Tư tưởng chiến lược chung là phải chiến thắng nhưng trong mỗi giai đoạn khai, trung, tàn cuộc có những yêu cầu cụ thể khác nhau.
Khai cuộc là giai đoạn động binh, bố trí quân với mục tiêu là giành quyền chủ động, tức là tiên thủ. Trung cuộc là giai đoạn cuộc chiến trở nên quyết liệt, sôi động nhất có mục tiêu là nếu đã tiên thủ thì phải vươn lên giành lấy ưu thế. Còn tàn cuộc là giai đoạn cuối của ván cờ, giai đoạn kết thúc với mục tiêu là nếu đã chiếm ưu thế thì phải giành lấy thắng lợi cuối cùng. ”
Xác định mục tiêu
Xác định rõ mục tiêu như vậy để không nôn nóng nghĩ ngay đến việc bắt bí tướng đối phương. tất nhiên nếu đối phương chơi sai lầm nghiêm trọng thì vấn đề bắt bí tướng đối phương cũng cần nhạy bén đặt ra, nhưng đây là trường hợp ngoại lệ và hãn hữu. Còn nói chung, chơi trung cuộc, xác định đúng mục tiêu sẽ đề ra nhiệm vụ chính xác cho các thứ quân của mình.
Bắt quân và giành thế đương nhiên trước hết là phải tiên thủ, phải nắm quyền chủ động chứ nếu đi sau hoặc chưa phản tiên thì không thể truy bắt quân đối phương, trừ trường hợp đối phương đãng trí đút quân vào mõm quân ta.
! Điều này cho thấy giành quyền chủ động là một yếu tố chiến thuật cơ bản và rất quan trọng, vì có được tiên mới có điều kiện bắt quân và giành thế. ở đây cần nói rõ tình trạng bị mất tiên để hiểu thêm khái niệm được tiên một cách cụ thể hơn.
Một bên gọi là bị động hay mất tiên là khi có một quân cờ nào đó sắp bị địch bắt mà không thể không chạy hoặc đưa quân yểm trợ. Cũng có thể là tham bắt quân bị trúng kế đối phương, hoặc không muốn đổi quân mà phải đổi, dàn quân tự mình cản trở quân mình, đúng lý phải chiếm những cứ điểm có lợi nhưng không chiếm để bị địch chiếm.
Hoặc là không kịp thời mở thông đường cho các quân tiến lên để bị địch phong tỏa, chỉ sử dụng một số ít quân để tấn công hoặc phòng thủ mà không sủ dụng hết toàn bộ lực lượng, nhất là quân chủ lực để ở nơi kẹt không kịp thời trở bộ khi hữu sự. Có khi nên tiến không tiến, nên lui không lui. nói chung là chơi không chính xác hay sai lầm trong những tình huống cụ thể đều đưa đến mất tiên, bị động, từ đó có thể dẫn đến mất quân.
Theo BTCTVN